Ngôn ngữ
Giỏ hàng

Vì sao nhà hiện đại cháy nhanh gấp 6 lần so với 40 năm về trước?

Vì sao nhà hiện đại cháy nhanh gấp 6 lần so với 40 năm về trước?


Bạn đang say giấc nồng như bao đêm khác trên chiếc giường thân yêu của mình. Bất chợt bạn choàng tỉnh dậy, phát hiện nhà mình đang có cháy và lớp khói mỏng màu xám bắt đầu lan tỏa khắp không gian.

Bạn nghĩ mình sẽ có bao nhiêu thời gian để chạy thoát khỏi đám cháy?

15 phút? 10 phút? 8 phút?

Tất cả đều không phải!

Bạn chỉ có vỏn vẹn chưa đầy 3 phút!


Tốc độ cháy tại các ngôi nhà hiện đại cao hơn rất nhiều so với trước đây

"Cách đây hơn 40 năm, bạn có trung bình 17 phút để thoát khỏi đám cháy tại nhà mình. Còn bây giờ, bạn chỉ có chưa đầy 3 phút".

Đó là kết quả rút ra từ cuộc thí nghiệm của Underwriters Laboratories (UL), một tổ chức tư nhân uy tín, chuyên cung cấp chứng nhận an toàn, kiểm định chất lượng sản phẩm cho hơn 100 quốc gia. UL đã thực hiện thí nghiệm tại 2 căn phòng. Căn phòng thứ nhất mô phỏng các ngôi nhà từ thập niên 70, 80 với nhiều vật liệu tự nhiên truyền thống. Căn phòng thứ hai là căn phòng hiện đại với các vật liệu tổng hợp nhân tạo: từ tấm rèm cửa sổ cho đến chiếc bàn uống cà phê.

Thời gian xuất hiện hiện tượng flashover (xảy ra khi nhiệt độ tăng tới mức cả căn phòng tự động bùng nổ và là nỗi kinh hoàng của bất kỳ người lính cứu hỏa nào) tại căn phòng thứ hai là 3 phút 40 giây. Trong khi đó, thời gian này ở căn phòng đầu tiên là 29 phút 25 giây. Việc thoát khỏi đám cháy và giải cứu nạn nhân tại các ngôi nhà hiện đại, vì vậy, ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Theo UL, nguyên nhân dẫn đến sự tăng lên nhanh chóng mức độ nguy hiểm của hỏa hoạn đến từ vật liệu xây dựng nhân tạo, đồ dùng làm từ vật liệu tổng hợp và thiết kế mở của các ngôi nhà hiện đại.

Video: Thí nghiệm về tốc độ cháy của UL

giữa phòng sử dụng vật liệu tự nhiên (bên trái)

và phòng sử dụng vật liệu tổng hợp (bên phải)


Vật liệu xây dựng nhân tạo thay thế vật liệu tự nhiên

Đặc trưng của kỹ thuật xây dựng mới là sử dụng nhiều vật liệu nhân tạo thay thế cho vật liệu truyền thống tự nhiên như gạch và gỗ. Những vật liệu xây dựng hiện đại này có nhiều ưu điểm đáng kể hơn như: thân thiện với môi trường, nhẹ, bền, không tốn kém tiền bạc, không mất nhiều công sức để chế tạo. Tuy nhiên, chúng lại rất dễ phản ứng với nhiệt bởi thành phần cấu tạo của mình.

Gỗ công nghiệp, ván ép (plywood)… được làm từ gỗ dăm, mùn cưa và keo dán. Chúng được nhiều người lựa chọn để ốp, lợp mái và lát sàn trong các công trình hiện đại. Trong quá trình sản xuất, các lớp gỗ mỏng được dán với nhau bằng keo Phenol hay Formaldehyde, sau đó được ép lại tạo ra các tấm gỗ công nghiệp.

Vấn đề là, các loại keo này khiến sản phẩm hoàn thiện cuối cùng cực kỳ dễ cháy. Chúng cháy nhanh tới mức có thể làm mất ổn định thành phần cấu trúc của ngôi nhà và khiến nó có thể sụp đổ trong vòng vài phút. Trong khi đó, phải mất khoảng 20 phút để các vật liệu truyền thống tự nhiên như các loại gỗ cứng sụp đổ.

Việc sử dụng nhiều vật liệu xây dựng tổng hợp có thể đẩy nhanh tốc độ cháy trong căn nhà

Ảnh: Việc sử dụng nhiều vật liệu xây dựng tổng hợp

có thể đẩy nhanh tốc độ cháy trong căn nhà


Đồ dùng trong gia đình được làm từ vật liệu tổng hợp

Trước đây, các loại đồ dùng trong gia đình được làm từ gỗ cứng, thảm và rèm được làm từ vải tự nhiên, ghế sô pha được nhồi bông… Tuy nhiên, ngày nay, nhiều đồ nội thất được làm từ gỗ công nghiệp, ruột được độn bằng mút xốp (Pu Foam) như chăn, ga, gối, đệm (thay cho cao su, bông tự nhiên…). Ngoài ra, nhựa, một trong những vật liệu được sử dụng phổ biến nhất để sản xuất các sản phẩm gia dụng hiện đại, có thể bùng cháy nhanh như xăng khi chúng bắt lửa.

Đồ gia dụng làm bằng vật liệu tổng hợp cháy nhanh hơn rất nhiều so với các vật liệu tự nhiên

Ảnh: Mút xốp (Pu Foam) được sử dụng như một

loại cao su tổng hợp trong các đồ dùng gia dụng

Những vật liệu tổng hợp này cháy nhanh hơn rất nhiều so với các vật liệu tự nhiên. Chúng cũng tạo ra lớp khói đen dày chứa đầy các hóa chất độc hại giải phóng ra từ vật liệu tổng hợp. 90% số người tìm cách thoát khỏi đám cháy tử vong do bị ngạt khói hơn là do bỏng. Thành phần hóa chất độc hại từ lớp khói này càng gây nguy hiểm hơn cho những người bị mắc kẹt trong nhà.


Xu hướng thiết kế không gian mở

Bên cạnh vật liệu tổng hợp, xu hướng thiết kế không gian mở đang ngày càng phổ biến cũng là một nguyên nhân khiến các ngôi nhà hiện đại dễ bị tấn công hơn khi có cháy và làm ngắn đi thời gian thoát khỏi đám cháy của gia đình bạn.

Khi một ngọn lửa bắt đầu âm ỉ cháy trong một căn phòng khép kín, các bức tường và cánh cửa giúp kiểm soát sự lan tỏa của lửa và khói. Vì vậy, việc ngăn cách giữa các phòng là cần thiết cho việc PCCC. Thế nhưng, trong thiết kế nhà hiện đại, các bức tường được giảm thiểu tối đa, do đó, không còn gì để kiềm chế ngọn lửa. Ngọn lửa lan tỏa nhanh chóng đến toàn bộ không gian trong nhà. Hơn thế nữa, không gian mở cung cấp một lượng lớn Oxy đủ để một ngọn lửa nhỏ có thể bùng cháy dữ dội ngoài tầm kiểm soát.

Xu hướng thiết kế không gian mở cũng là 1 lý do khiến nhà hiện đại dễ cháy hơn trước đây

Ảnh: Xu hướng thiết kế không gian mở cũng là

1 lý do khiến nhà hiện đại dễ cháy hơn trước đây


Một vài lưu ý PCCC cần ghi nhớ cho ngôi nhà của bạn

• Xem thêm: Kỹ năng thoát hiểm đám cháy tại nhà mặt đất, chung cư cao tầng và khách sạn

1. Trước khi đi ngủ, hãy đảm bảo rằng cửa ra vào phòng ngủ của bạn luôn đóng. Chỉ bằng thói quen đơn giản này, theo UL, đã có thể làm chậm lại tốc độ của ngọn lửa, giảm bớt nhiệt độ, tăng lượng Oxy cho bạn. Trong khi xảy ra cháy, một cánh cửa đóng có thể tạo ra sự chênh lệch 900 độ so với căn phòng mở cửa. Vì vậy, khả năng sống sót của gia đình bạn cũng sẽ được gia tăng.

Việc đóng cửa phòng trước khi đi ngủ có thể tăng khả năng sống sót khi xảy ra cháy

Ảnh: Hãy luôn đóng cửa phòng trước khi đi ngủ

2. Mỗi căn phòng nên được thiết kế có cửa ra vào và cửa sổ để tránh việc chỉ có một lối thoát hiểm duy nhất khi có cháy.

3. Nên hạn chế sử dụng quá nhiều vật liệu tổng hợp trong ngôi nhà của bạn.

4. Trong phòng, đặc biệt là phòng ngủ nên có một chai nước thường xuyên ở đầu giường. Phòng trường hợp xảy ra cháy, bạn có thể ngay lập tức thấm ướt khăn mặt để bịt mũi, thấm ướt quần áo để choàng lên người.

5. Trang bị một số đồ dùng bảo hộ, cứu nạn và các thiết bị PCCC trong gia đình như: búa thoát hiểm, mặt nạ chống khói, thang dây thoát hiểm...

5. Nếu có điều kiện, hãy lắp đặt ngay cho ngôi nhà của bạn các thiết bị báo cháy như: đầu báo nhiệt, đầu báo khói và bình chữa cháy. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng bình chữa cháy khi bạn đã được huấn luyện.


Lời kết

Việc không trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng PCCC là sự đe dọa nghiêm trọng nhất đến chính mạng sống của chúng ta và những người thân yêu. Ngay từ bây giờ, hãy cùng gia đình chuẩn bị các phương án PCCC cho ngôi nhà thân thương của bạn.

Đừng để đến khi quá muộn!


Nguồn:

Luke Armstrong, The Dangers of a House Fire in Modern Homes

Underwriters Laboratories, Close Your Door



Please wait...